Liên kết vùng, ứng dụng khoa học phát triển sản phẩm chủ lực

Bộ Khoa học và Công nghệ yêu cầu các Sở khoa học và Công nghệ thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ vào phát triển các sản phẩm chủ lực vùng và địa phương.

Sản xuất rau sạch trong nhà kính tại khu nông nghiệp công nghệ cao ở thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tăng cường liên kết, trong đó chú trọng liên kết vùng để khoa học và công nghệ trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương và tham gia giải quyết tốt các vấn đề của đời sống, xã hội.

Đây là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đối với các Sở khoa học và Công nghệ trong việc thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ vào phát triển các sản phẩm chủ lực vùng và địa phương.

Đẩy mạnh liên kết vùng

Khoa học và công nghệ đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đặc biệt là sự phát triển kinh tế Vùng.

Tuy nhiên, những kết quả mà khoa học và công nghệ đạt được thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Tại Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ các tỉnh vùng Đông Nam Bộ mới đây, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khó khăn để cùng với các địa phương thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ để khoa học và công nghệ là yếu tố quyết định thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các địa phương, cũng như Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.

Công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ vùng Đông Nam Bộ ngày càng được tăng cường và toàn diện trên các lĩnh vực, từ nghiên cứu khoa học đến phát triển công nghệ, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tiễn.

Bên cạnh đó, hoạt động trong lĩnh vực Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng; sở hữu trí tuệ; thông tin thống kê; hoạt động khởi nghiệp; đổi mới sáng tạo… đã góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý tại các địa phương cũng như vùng Đông Nam Bộ.

[Ứng dụng khoa học công nghệ, tiết kiệm nước cho cây trồng Nam Trung Bộ]

Tuy đạt được nhiều kết quả ấn tượng nhưng hoạt động khoa học và công nghệ vùng Đông Nam Bộ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Giám đốc các Sở Khoa học và Công nghệ đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, bất cập trong hoạt động khoa học và công nghệ tại địa phương cũng như trong việc thúc đẩy liên kết vùng liên quan đến cơ chế, chính sách chi cho đầu tư, phát triển khoa học và công nghệ; cơ chế quỹ, cơ chế liên kết, hợp tác thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ vùng, hỗ trợ đổi mới công nghệ tại mỗi địa phương khác nhau; cơ chế liên kết, hợp tác thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, hỗ trợ đổi mới công nghệ cũng khác nhau…

Đặc biệt, chưa có cơ chế hỗ trợ cho việc nhân rộng, ứng dụng chuyển giao kết quả nghiên cứu vào sản xuất các sản phẩm chủ lực địa phương.

Để từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đảm bảo khoa học và công nghệ là yếu tố quyết định thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các địa phương, cũng như Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy yêu cầu Vụ Phát triển khoa học và công nghệ địa phương phối hợp cùng các Sở Khoa học và Công nghệ xem xét, xử lý các đề nghị của địa phương, đảm bảo đẩy mạnh tăng cường liên kết vùng, để khoa học và công nghệ trở thành yếu tố động lực trong phát triển kinh tế-xã hội và tham gia giải quyết tốt các vấn đề của đời sống, xã hội tại địa phương.

Đặc biệt, chú trọng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị.

Tập trung phát triển sản phẩm chủ lực

Báo cáo của Vụ Phát triển Khoa học và Công nghệ địa phương (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết giai đoạn 2017-2019, nhiều văn bản liên quan đến cơ chế, chính sách phát triển khoa học và công nghệ nói chung được ban hành, trong đó có nhiều văn bản trực tiếp tác động đến hoạt động khoa học và công nghệ của các địa phương như chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017; Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 19/7/2019; Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập…

Các cơ chế, chính sách đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thúc đẩy ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Đặc biệt, hỗ trợ thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các địa phương.

Đông Nam Bộ – vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thời gian qua đã thể hiện được khá rõ nét về sự phối hợp liên kết trong tổ chức các hoạt động khoa học và công nghệ vùng, nhất là liên kết, chia sẻ thông tin, phối hợp triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ mang tính vùng, bước đầu đã mang lại kết quả, khẳng định vai trò, vị thế của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương và vùng.

Đặc biệt, đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong nghiên cứu, nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó chú trọng vào các sản phẩm chủ lực đã mang tính thực tế, chú trọng tính ứng dụng khi nghiệm thu.

Việc quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã hướng đến đúng đối tượng, hỗ trợ doanh nghiệp có tiềm năng; công tác xét duyệt, thẩm định, nghiệm thu, kết quả nghiên cứu được thực hiện phù hợp với thực tiễn đã mang lại kết quả bước đầu trong việc đẩy mạnh triển khai, nhân rộng kết quả sau nghiệm thu.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn trong hoạt động khoa học và công nghệ tại địa phương liên quan đến phát triển sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị còn bất cập, đặc biệt, các địa phương đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, cơ chế, chính sách trong việc thúc đẩy liên kết vùng.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh phát triển sản phẩm chủ lực địa phương là cần thiết, thúc đẩy liên kết vùng để phát triển sản phẩm mang lại giá trị cao, góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương là yếu tố quyết định để các địa phương bứt phá.

Vì vậy, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực công nghệ, năng suất và chất lượng sản phẩm, xác lập và phát triển tài sản trí tuệ.

Đồng thời, đầu tư cho hoạt động phát triển thị trường, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từng bước hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… góp phần tạo ra một “thế hệ” doanh nghiệp mới phát triển dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, năng động trong tiếp cận thị trường./.

Call Now